29 Tháng Tư, 2024

Khai giảng Năm học 2022-2023

Ngày 13 tháng 9 năm 2022

Bài Phát biểu của Đức Cha Viện Trưởng Giuse Đinh Đức Đạo

 

Trọng kính ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ tịch HĐGMVN – Chưởng ấn HVCGVN

Trọng kính Đức Cha Phêrô, Tổng Thư ký HĐGMVN

Trọng kính Đức Cha Giuse, Chủ tịch Ủy BanTruyền thông HĐGMVN

Kính thưa quý Bề trên, quý Cha, quý Tu sĩ, quý Ân nhân và quý Khách

Với lòng tôn kính và tri ân sâu thẳm dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria, con hân hoan gửi đến quý Đức Cha, quý Cha, quý Bề Trên, quý Tu sĩ, quý Ân nhân và quý Khách lời chào kính trọng và lòng tri ân. Xin tri ân Đức Cha Cosma, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh và Ba Tư vấn Giáo phận, cũng như Cha Giám đốc và quý Cha nhà Hưu dưỡng giáo phận Bắc Ninh Thủ Đức đã cho Học viện sử dụng phần đất này và quý vị ân nhân đã hỗ trợ Học viện trong các sinh hoạt và công việc bảo trì cũng như canh tân cơ sở cho thêm khang trang.

Với niềm vui mừng, tôi hân hoan gửi đến mọi thành viên của Gia đình Học viện, đặc biệt quý Giáo sư và Sinh viên mới, lời chào thăm quý mến và cầu chúc cho năm học mới được tràn đầy ơn lành của Chúa để việc học tập, giảng dạy và phục vụ đem lại nhiều kết quả.

Ngày khai giảng năm học mới không chỉ là một mốc điểm của chu kỳ học tập, nhưng còn là giây phút nhắc lại những tâm tư đã gợi hứng không chỉ cho một năm học, nhưng đã mở ra một viễn tượng, một hướng đi cho Học viện để các thế hệ tiếp nối nhau cùng hướng đến và từ từ thực hiện.

Kính thưa quý Đức Cha, quý Bề trên, quý Cha, quý Tu sĩ, quý Ân nhân và quý Khách, những tâm tư đó được gói gọn trong hai ước nguyện sau đây:

1. Ước nguyện “Làng Học viện Công Giáo”

Năm nay, cơ sở của HVCGVN mới lại được trùng tu khang trang hơn để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của Học viện. Xin hết lòng cám ơn Ban Tài Chánh và quý ân nhân. Cơ sở hiện nay của HVCGVN sẽ còn phải được canh tân và bổ túc để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Học viện trong những năm tới.

Trong tầm nhìn xa, tôi nhớ đến một ước mơ đã ấp ủ từ lâu trong lòng và đã đôi lần chia sẻ trong nội bộ Học viện. Đó là ước mơ về viễn tượng Học viện Công giáo Việt Nam mà trong khuôn viên, ngoài những cơ sở cần thiết cho việc học tập, còn có một Đan viện và một Mái ấm Tình thương. Sự hiện diện của một Đan viện đắm chìm trong bầu khí linh thiêng của Thiên Chúa nhắc mọi người luôn nhớ rằng chính Chúa là lý do và nguồn gốc của việc học tập, giảng dạy và phục vụ, còn Mái ấm Tình thương là hình ảnh tiêu biểu cho thế giới, nhất là những người bệnh tật và khổ đau là đối tượng của việc học tập và giảng dạy. Đây phải là nét đặc trưng của Học viện Công Giáo Việt Nam. Trong viễn tượng này, các sinh hoạt nghiên cứu và học tập trong Học viện Công giáo có thể ví như những đóa hoa tươi thắm, với nét đẹp hài hòa của ba sức mạnh kết tinh thành sức sống của Học viện. Ba sức mạnh đó là niềm vui thiêng liêng, nỗ lực học tập với óc sáng tạo và lòng hăng say đáp ứng các nhu cầu mục vụ của Giáo hội.

Để đáp ứng ước mơ trên, một tòa nhà thôi, không đủ, cần phải nghĩ đến viễn tượng “Làng Học viện Công giáo”. Trong 6 năm qua, Viện trưởng cùng với Ban Tài chánh đã âm thầm tìm kiếm địa điểm, với sự trợ giúp của nhiều người trong và ngoài Giới Doanh Công giáo TGP Sài Gòn. Nhưng tất cả đã như những con đom đóm, cứ lóe sáng lên, rồi lại tắt ngúm. Cầu xin cho ước nguyện này, nếu đẹp lòng Chúa, sẽ được thực hiện bởi những thế hệ tương lai.

2. Ước nguyện về Giáo sư và Sinh viên

Địa điểm và cơ sở tuy rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định là đội ngũ Giáo sư và Sinh viên mà Học viện ước mong sẽ là những thành phần ngoại hạng. Ngoại hạng ở đây không vì có chỉ số IQ của Newton hay Einstein, nhưng vì mang trong lòng niềm khát vọng của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để thế giới được sống sung mãn (x. Ga 10,10) và đã đem lửa ném vào thế gian để ngọn lửa đó bùng cháy lên (x. Lc 12,49).

Do đó, các Giáo sư của Học viện Công giáo không chỉ là những người có bằng cấp chuyên môn để truyền đạt cho các sinh viên những kiến thức, nhưng là những người mang trong mình một “cục than hồng”, thiêu đốt tâm can để truyền đạt cho các sinh viên những gì là tinh anh nhất, có khác chi ngôn sứ Êlia đã để lại cho môn đệ Êlisêô chính áo choàng là biểu tượng của chính ngài, để Êlisêô cũng trở thành ngôn sứ như ngài (x. 2V 2,1-15).

Về Sinh viên, tôi nhớ đến lời phát biểu của ĐTGM Socrates Villegas. Khi được bầu làm Chủ tịch HĐGM Phi luât Tân, ngài đã nói với các linh mục Phi luật tân như sau: “Giáo hội không thiếu linh mục, chỉ thiếu lòng nhiệt thành”. Liệu chúng ta có phải áp dụng nhận xét này cho sinh viên của Học viện Công giáo không? Tôi nghĩ và ước ao là hình ảnh này không được hiện hữu trong môi trường Học viện Công giáo Việt Nam. Tôi mường tượng thấy các sinh viên của Học viện Công giáo là những người hăng say và miệt mài học tập vì họ đi học không phải chỉ vì Bề trên sắp xếp cho đi học, cũng không phải chỉ mong có thêm kiến thức hoặc chỉ để có được mảnh bằng cho mọi người tấm tắc khen ngợi. Không, không phải thế! Sinh viên của Học viện Công giáo Việt Nam là những người hăng say dấn thân học tập và nghiên cứu vì như các giáo sư, chính họ cũng được thiêu đốt bởi “cục than hồng” họ mang trong mình. Nơi họ, ai cũng nhận ra hình ảnh tông đồ của thời đại mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói trong tông huấn Evangelii Nuntiandi: “Thế giới kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói cho họ về một Thiên Chúa mà chính người rao giảng đã gặp, đã biết như thể đã nhìn thấy Đấng Vô hình (x. Dt 11, 21)” (EN 76).

Đó là Giáo sư và Sinh viên của Học viện Công giáo Việt Nam. Họ là những người ngoại hạng vì mang trong mình một sức mạnh ngoại hạng, tức là tình yêu cứu độ của Chúa. Họ có thể nói như thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14), hôm nay trong việc học tập và giảng dạy, mai sau là công việc tông đồ, trên mọi nẻo đường Chúa Quan Phòng gửi đi.

Cầu mong cho những ước nguyện trên đây sẽ là sức mạnh thúc đẩy và gợi hứng cho mọi nỗ lực học tập, giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ trong Học viện Công giáo của chúng ta.

+ Giuse Đinh Đức Đạo

Viện Trưởng