11 Tháng chín, 2024

Sáng thứ Bảy, ngày 20 tháng 5 năm 2023, Phân khoa Thần học của Học viện Công giáo Việt Nam tổ chức buổi Thuyết trình do diễn giả PHẠM THỊ KIỀU LY, Tiến sĩ Ngữ học Đại học Sorbonne Nouvelle, với đề tài:

LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ: MỘT HIỆN TƯỢNG ĐƠN LẺ TRONG TRÀO LƯU NGỮ HỌC TRUYỀN GIÁO.

Chị Kiều Ly đã cho thấy Chữ Quốc Ngữ mà chúng ta đang sử dụng, là thành quả của một nhóm các thừa sai Dòng Tên. Cha Đắc Lộ thường được biết đến hơn cả như tác giả của cuốn từ điển Việt-Bồ-La (1651), tuy cuốn này cũng dựa trên hai cuốn từ điển của hai cha Dòng Tên khác là Gaspar Do Amaral và António Barbosa. Khi đến một vùng đất mới, các vị thừa sai Dòng Tên thường học nói và ghi lại bằng ký tự tiếng nói của người dân vùng đó. Các thừa sai Dòng Tên khi đến Việt Nam đã muốn dùng mẫu tự La-tinh để ghi lại tiếng Việt, từ đó Chữ Quốc Ngữ chào đời. Đây là một phương tiện hữu hiệu để giúp các thừa sai học tiếng Việt với mục đích truyền giáo. Chữ Quốc Ngữ, nhờ một số lợi thế và duyên may, đã trở thành văn tự chính thức của người dân Việt. Người Việt đã đón nhận lối viết mới này để thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm, trong khi các dân tộc khác như Nhật, Trung Hoa, Lào, Kampuchia vẫn giữ lối viết cũ.

Với lối trình bày rõ ràng và cuốn hút, diễn giả đã đưa thính giả đi vào cuộc hành trình hình thành Chữ Quốc Ngữ. Sau bao năm nghiên cứu công phu và nghiêm túc, một phụ nữ không Công giáo, từng lăn lộn với những kho lưu trữ cổ của nhiều thư viện, giờ đây chia sẻ những hiểu biết vừa rất ngữ học, vừa rất giáo sử của mình. Điều đó khiến những điều Chị nói thêm đáng tin.

Nhiều câu hỏi được thính giả nêu lên đã có lời giải đáp thỏa đáng. Bầu khí của buổi nói chuyện diễn ra hồn nhiên, ấm áp, vì không quá đông và không quay phim. Điều đọng lại sau cùng là mong sao Học viện có nhiều sinh viên học tập với niềm đam mê và khát khao, với phương pháp và sự kiên trì, vì Hội Thánh còn nhiều di sản quý giá cần được đem ra ánh sáng và chia sẻ.