11 Tháng chín, 2024

BÀI TRÌNH BÀY CỦA QUYỀN TRƯỞNG KHOA HVCGVN

NHÂN NGÀY LỄ KHAI GIẢNG NIÊN KHÓA MỚI 2022-2023

13-09-2022

 

ĐỀ TÀI: HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VÀ TINH THẦN HIỆP HÀNH

 

 

Trọng kính Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN, TGM GP Huế, Chưởng Ấn HVCGVN, Trọng kính Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư Ký HĐGMVN, GM GP Mỹ Tho, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, GM GP Phú Cường, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội HĐGMVN, và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Viện trưởng HVCGVN.

Kính thưa quý Giáo sư, quý Khách, quý Bề Trên, quý Ân nhân của HVCG,

Anh chị em sinh viên của HVCG thân mến,

Trong Lễ Khai giảng niên học 2022-2023 của HVCG, con rất hân hạnh được chia sẻ đề tài “Học Viện Công Giáo và Tinh Thần Hiệp hành.” Vì lý do cử tọa đa dạng, nên con xin phép đôi khi xưng “tôi” trong bài trình bày này.

HIỆP HÀNH LÀ GÌ?

Hiệp hành là “cùng đi với nhau.” Đây là một từ tương đối mới, để dịch một từ khác cũng tương đối mới, được dùng bởi ĐGH Phanxicô: synodality. Syn=cùng nhau. Hodos = con đường. Như  thế  “hiệp hành” có nghĩa rất gần với “đồng hành,” nhưng tôi thích từ “hiệp hành” hơn, vì nó mang nét mới mẻ. Theo một lối chiết tự, chữ “hiệp” gồm chữ “tập” và chữ “khẩu,”cho thấy một nhóm hội họp lại cùng nhau để bàn chuyện. Có người không thích từ “hiệp hành” và đề nghị dịch là “đồng nghị.” Tôi không thích lắm từ “đồng nghị” vì nó không nói lên yếu tố đi với nhau của chữ “hành.”

AI CÙNG ĐI VỚI NHAU?

Cả cộng đoàn Dân Thiên Chúa cùng đi với nhau. Ngay chương hai của Hiến chế Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa Giáo Hội như Dân Thiên Chúa. Ai đã được chịu Phép Thánh Tẩy đều trở thành con cái Thiên Chúa và là thành phần của đoàn Dân thánh này. Giáo dân, phụ nữ, tu sĩ, giới trẻ, phó tế, linh mục, giám mục, tất cả đều thuộc về Dân Chúa. Tất cả đều có một phẩm giá ngang nhau trước mặt Chúa. Đó là mẫu số chung. Tuy nhiên, vẫn có điểm khác biệt, đó là mỗi người nhận được những đặc sủng khác nhau để chu toàn những ơn gọi khác nhau do Thần Khí ban, để xây dựng cộng đoàn tín hữu. Giáo Hội mọi thời vẫn luôn có người được ơn lãnh đạo cộng đoàn. Hiệp hành diễn ra trên mọi cấp độ: giữa Đức Thánh Cha với các giám mục trên thế giới, giữa các giám mục trong cùng một vùng miền, giữa giám mục giáo phận với linh mục đoàn, giữa cha xứ với giáo dân, giữa những hội đoàn trong xứ với nhau. Hiệp hành trong mọi tổ chức lớn nhỏ của Giáo Hội và ngay trong gia đình.

HIỆP HÀNH CÓ MỚI KHÔNG?

Thật ra hiệp hành không phải là điều hoàn toàn mới. Giáo Hội sơ khai đã sống tinh thần hiệp hành. Công đồng ở Giêrusalem là một thí dụ hay được nhắc đến. Trước câu hỏi: “Dân ngoại có cần phải cắt bì và giữ luật Mô-sê để được cứu độ không?” đã có một cuộc gặp gỡ, tranh luận. Có các Tông Đồ và kỳ mục, có Phêrô, Barnaba, Phaolô và Giacôbê, và cũng có những tín hữu thuộc phái Pharisêu. Cuối cùng các Tông Đồ, các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh đã đi đến một quyết định (Cv 15,22). Hơn nữa, đây là một quyết định cùng với Thánh Thần: “Thánh Thần và chúng tôi cùng quyết định” (Cv 15,28). Câu hỏi trên đây đã có câu trả lời.

Bản thân tôi thích câu chuyện về việc chọn người thay thế Giuđa ở sách Công vụ Tông đồ chương 1. Có khoảng 120 người làm việc chọn lựa này (Cv 1,15-26). Phêrô điều khiển buổi họp. Nhóm chọn người theo tiêu chuẩn sau: phải là người đã cùng đi với chúng tôi (hiệp hành), đã cùng ở với Chúa Giêsu từ lúc Ngài chịu phép rửa cho đến khi Ngài lên trời, và sẽ cùng với chúng tôi làm chứng cho sự Phục sinh của Chúa. Cuối cùng họ đã chọn được hai vị đạt tiêu chuẩn là Giô-xếp và Matthia. Nhưng họ vẫn lúng túng không biết nên chọn vị nào. Họ bèn cầu nguyện để xem Chúa muốn chọn ai. Họ đã chọn cách rút thăm để tìm ý Chúa.  Matthia đã trúng thăm để thay thế Giuđa. 

Gần đây hơn, tinh thần hiệp hành đã được Công Đồng Vaticanô II nói đến trong Hiến Chế Lumen Gentium 33: “Qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chính Chúa ủy thác việc tông đồ đó cho tất cả các tín hữu.” Đó là việc tông đồ của giáo dân, chia sẻ sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Hiến chế này cũng viết: “Giáo dân cũng có thể được mời gọi góp phần trực tiếp hơn vào hoạt động tông đồ của hàng Giáo phẩm” (LG 33). Còn LG 37 viết như sau: “Tùy theo kiến thức, khả năng chuyên môn, và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội. Nếu cần, họ nên thực hiện điều đó nhờ các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy… Giáo dân nên mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn là đại diện Đức Kitô đã quyết định với tinh thần vâng phục. … Các chủ chăn phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội; các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động…”                     

Khi thúc đẩy tinh thần hiệp hành, Đức Thánh Cha Phanxicô không làm gì khác hơn là triển khai và thực thi những điều đã được quyết định từ hơn nửa thế kỷ trước trong Công đồng Vat II. 

HIỆP HÀNH CÓ CẦN KHÔNG?

Đức Phanxicô coi hiệp hành là chiều kích thiết yếu (essential) của Giáo Hội, có thể nói là cấu tố (constitutive element) làm nên Giáo Hội. Một GH không hiệp hành thì không thật là GH của Chúa Kitô. GH hiệp hành có khả năng tập hợp được toàn bộ sức mạnh của mọi thành phần Dân Chúa, tạo sự gắn bó trong nội bộ, và mở ra với sứ mạng truyền giáo cho muôn dân.

Ngoài ra hiệp hành cũng là điều cấp bách vì những lạm dụng của một số giáo sĩ ở nhiều nơi trên thế giới. Gần đây một báo cáo dài 2500 trang của một Ủy ban về Lạm dụng tính dục trong Giáo Hội, cho biết có khoảng hơn 200.000 trẻ em bị lạm dụng bởi khoảng 3000 linh mục, tu sĩ ở Pháp từ 1950-2020. Người ta đặt câu hỏi: giáo dân ở đâu mà để cho chuyện đó xảy ra? Nếu vai trò của giáo dân được thực thi đúng mức, hẳn có thể tránh được rất nhiều lạm dụng trong Giáo Hội. Không nên quên là năm 2021, theo bản tin của Hội Đồng Giám Mục Đức, đã có 360.000 người Công giáo rời bỏ Giáo Hội Công giáo Đức. Chưa bao giờ có con số lớn như vậy! Và chỉ có 4,3% giáo dân dự lễ Chúa nhật thôi! Rõ ràng hiệp hành là hết sức cần thiết cho sự sống còn của Giáo Hội.

HIỆP HÀNH CÓ KHÓ KHÔNG? 

Có thể nói là khó. Trong nền văn hóa Á Châu, người ta coi trọng tôn ti trật tự, trên dưới. Giáo dân cùng ngồi với các vị lãnh đạo Giáo Hội để cùng suy nghĩ, cầu nguyện, phân định, tìm ý Chúa, lắng nghe Thánh Thần, điều này đòi hỏi người giáo dân phải được huấn luyện và có mức độ trưởng thành. Ngược lại, để có khả năng đối thoại, lắng nghe, hỏi ý kiến và cộng tác với người dưới quyền, người trên cũng phải từ bỏ mình. Giáo dân quen coi chuyện của Giáo Hội là chuyện của các cha, mình chẳng có gì để tham dự, đóng góp. Hình ảnh chủ chiên và con chiên là hình ảnh rất tốt để diễn tả một tương quan thân thiết, nhưng hình ảnh ấy không được làm cho người giáo dân rơi vào thái độ thụ động, vì nghĩ mình chỉ cần để cho các linh mục dắt đi. Phong trào Hiệp hành ở Đức cũng nhắc cho chúng ta thấy tiềm ẩn những nguy cơ ly giáo, nếu không thực sự sống hiệp hành với cả Giáo Hội toàn cầu. Đức Phanxicô cũng nhắc nhở: “Hiệp hành không phải là đi tìm sự đồng thuận của đa số theo kiểu trong quốc hội… Nhân vật chính là Chúa Thánh Thần, Đấng diễn tả chính mình trên hết nơi Lời Chúa, Lời được đọc, được suy gẫm và chia sẻ cho nhau.”

SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH TẠI HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Tinh thần hiệp hành là tinh thần của Giáo Hội toàn cầu.

Tinh thần này phải thấm vào mọi cơ cấu, tổ chức, sinh hoạt của Giáo Hội, dù lớn dù nhỏ.

Học Viện Công Giáo VN hẳn phải sống tinh thần này, dù biết rằng có được tinh thần này không phải là chuyện làm được trong một sớm một chiều. Cần đổi não trạng, đổi lối nghĩ đã quen từ lâu. Điều này không hề dễ.

Trong tư cách quyền Trưởng Khoa, tôi xin chia sẻ cái nhìn cá nhân về việc sống tinh thần hiệp hành tại HVCG của chúng ta, một trung tâm học vấn, trí thức của Giáo Hội. Có ba điểm tôi nghĩ là quan trọng.

1. Để hiệp hành cần tôn trọng nhau. Có thể nói, HVCGVN là một Giáo Hội thu nhỏ, nơi đây có nhiều thành phần Dân Chúa. Có quý Đức Cha trong HĐGMVN, trong Ban Điều hành (Viện trưởng, Viện phó). Có các giáo sư và sinh viên, có những linh mục, phó tế, đan sĩ, nữ tu và giáo dân. Với thành phần đa dạng như thế, tương quan cũng sẽ rất đa dạng. Tôn trọng nhau được coi là thái độ nền tảng để có thể đi với nhau, nghĩa là hiệp hành. Những khác biệt trong chức vụ, trong trình độ, tuổi tác, giới tính, dòng-triều, giáo dân-giáo sĩ, v…v… không phải là những ngăn cách để tạo ra sự đánh giá về phẩm chất của một thành viên trong HVCG. Trong Giáo Hội thu nhỏ này, mỗi người đều tìm thấy chỗ đứng riêng của mình, đều thấy mình được tôn trọng trong chính cái đặc thù của mình. Dĩ nhiên, nơi môi trường này, chúng ta không chấp nhận bất cứ một sự lạm dụng nào, gây tổn thương cho một thành viên về bất cứ mặt nào, thân xác, tâm lý hay tinh thần. Chúng ta muốn xây dựng một môi trường an toàn cho mọi người ở đây.

2. Để hiệp hành cần lắng nghe nhau. Ai cũng biết lắng nghe nhau là điều kiện cần cho một cuộc đối thoại thực sự nghiêm túc. Đối thoại khó vì khi đối thoại chúng ta thường đầy ắp quan điểm của mình rồi, nên không còn chỗ để đón lấy quan điểm của người khác, nhất là khi quan điểm ấy khác hay ngược với quan điểm của ta. Để lắng nghe thật sự cần có thái độ tìm kiếm chân lý, cần tin rằng mình không nắm giữ toàn bộ chân lý, và tin rằng người đang đối thoại với mình, dù họ là ai, cũng có thể vén mở những chân lý mà mình chưa hề nghĩ tới. Nền tảng của việc lắng nghe nhau là tin rằng người đối thoại với mình cũng có Chúa Thánh Thần như mình, và chỉ có một Thánh Thần đang hoạt động trong cả hai. Lắng nghe nhau là thái độ của người đang đi tìm ý Chúa, bởi Chúa nói với tôi qua tha nhân. Chúa nói với người dưới qua người trên, và ngược lại. HVCG vẫn đang trong giai đoạn hình thành, dù đã bước vào năm thứ bảy. Lắng nghe nhau giúp ta tránh được những sai sót không đáng có, và tìm ra những giải pháp tốt đẹp bất ngờ. Như thế cần tạo ra bầu khí lắng nghe nhau, để ai cũng có tiếng nói, và dám nói cách trung thực. Hỏi ý kiến hay tham vấn là những hình thức khiêm tốn của lắng nghe. Các vị Điều hành cần lắng nghe nhau, lắng nghe tiếng nói của các giáo sư và sinh viên. Các giáo sư cũng cần nghe tiếng nói của sinh viên về việc giảng dạy của mình. Lắng nghe có khi không vui lắm, nhưng có thể giúp chúng ta tạo những đột phá ấn tượng. 

3. Để hiệp hành cần cùng nhau chịu trách nhiệm. Hiệp hành không phải chỉ là cùng đi với nhau, mà còn là cùng làm việc với nhau để xây dựng HVCG. Hiệp hành có thể hiểu thêm là cùng nhau hành động. Mái trường HVCG vừa nhỏ bé, vừa non trẻ, theo đúng nghĩa đen của nó. Chúng ta không so sánh HVCG với các trường khác vốn có một truyền thống lâu dài và đáng kính, nhưng chúng ta không khoanh tay ngồi chờ truyền thống đến với mình. Truyền thống là điều mà từng giáo sư, từng sinh viên của HVCG đang xây đắp từng ngày, từ sáu năm nay, xuyên qua những sáng kiến và những cố gắng bé nhỏ. Điều quan trọng là chúng phải coi ngôi trường này là của mình, và chúng ta cùng chịu trách nhiệm về nó. Người dạy và người học là những chủ thể chính tạo nên truyền thống qua việc dạy và việc học của mình. 

Kính thưa quý vị,

Hiệp hành không phải chỉ là một phong trào nhất thời được thổi bùng lên bởi một vi Giáo Hoàng Dòng Tên. Hiệp hành phải trở nên một cách hành xử quen thuộc trong Giáo Hội tương lai ở thiên niên kỷ thứ ba. Chúng ta cầu mong các Hội đồng, ban, ngành, các vị trong ban giảng huấn ở HVCG hiệp hành với nhau, các sinh viên cũng hiệp hành với nhau, để cùng nhau đạt tới đích nhắm của hành trình, đó là cung ứng những người thợ lành nghề và thánh thiện cho vườn nho của Chúa tại Việt Nam. Xin cảm ơn quý Đức Cha, quý giáo sư, quý khách và các bạn sinh viên đã lắng nghe.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu