11 Tháng chín, 2024

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

trực thuộc

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO

NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2024

 

Các con thân mến,

Với chủ đề: “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do”, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người nhớ lại cuộc xuất hành vĩ đại của dân Do Thái từ Ai Cập đi về Đất Hứa, vốn là một cuộc hành trình khởi đi từ sáng kiến của lòng nhân lành Chúa. Qua trung gian của Môisen, tình thương Chúa bao bọc, che chở và dẫn dắt đoàn dân này từ kiếp sống nô lệ đến khung trời của tự do, ngang qua một cuộc hành trình đầy cảm xúc và thử thách trong sa mạc.

Mùa Chay cũng chính là một cuộc hành trình thiêng liêng mà chúng ta được mời gọi bước vào bằng một quyết tâm mới, “trong đó sa mạc một lần nữa trở thành – như ngôn sứ Ôsê đã loan báo – nơi của tình yêu ban đầu (x. Os 2,16-17). Thiên Chúa giáo dục dân Người để họ thoát khỏi cảnh nô lệ và trải nghiệm quá trình chuyển đổi từ sự chết sang sự sống” (Sứ điệp Mùa Chay 2024).

Nếu như đích điểm cuối cùng cuộc hành trình trong sa mạc của dân Do Thái năm xưa, là một vùng đất của tự do và hạnh phúc, thì bốn mươi ngày của Mùa Chay thánh hôm nay, nhờ việc nỗ lực thi hành những điều Chúa dạy một cách nhiệt thành, cũng sẽ dẫn đưa chúng ta đến nguồn mạch ân sủng và hy vọng của con cái Chúa. Cùng với lời tạ ơn Chúa vì ân huệ lớn lao này, cha muốn chia sẻ với các con một vài suy nghĩ về Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh.

1. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của thân xác.

Khi nói về sự phục sinh của Chúa Giêsu, ta thường thấy một cụm từ mang tính chất liên kết: Tử Nạn và Phục Sinh. Sự liên kết hai khái niệm này nhằm mô tả tính xác thực và mạnh mẽ về sự sống lại nơi con người của Chúa chúng ta. Bởi vì, không có chết đi thì sẽ không có sống lại, không có sự chết thật thì việc sống lại nơi cùng một con người, chỉ là một sự ngộ nhận nghiêm trọng và đáng trách. Chúng ta cùng quan sát đôi nét về một dữ kiện nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Tảng đá to đã lấp cửa mộ, nó như một dấu chấm hết mà các môn đệ và những người liên hệ đã đặt vào cuộc đời của Chúa Giêsu ngay lúc này. Tảng đá ấy dường như cũng đè nặng trên tất cả niềm hy vọng của mọi người về vị Thầy kính yêu của họ. Thánh sử Matthêu như muốn xác định rõ ràng về cái chết này, khi thuật lại một sự im lặng buồn bã và thất vọng của những người đang làm công việc táng xác Chúa: “Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về” (Mt 27, 59 – 60 ). Ngôi mộ ấy càng trở nên một chứng tích mạnh mẽ cho sự thật về cái chết của Chúa Giêsu, khi nó được chính quyền Rôma hạ lệnh canh giữ cẩn thận. “Ông Phi-la-tô bảo họ: “Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết.” Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27, 65 – 66 ).

Thế nhưng mọi sự đã thay đổi hoàn toàn, bầu khí ảm đạm tiếc nuối trong ngày lễ nghỉ Sabat của những người tin vào Chúa Giêsu lúc ấy, đã nhanh chóng được xóa tan bởi niềm vui Chúa phục sinh vào ngày hôm sau, tức là ngày thứ nhất trong tuần. Chúa đã sống lại từ thân xác đầy thương tích bởi cuộc khổ nạn và đang được canh giữ hết sức cẩn thận vì nhiều lý do. Sự kiện ấy càng trở nên xác thực khi chính những lính canh mồ, là những người đầu tiên chứng kiến sự sống lại này (x. Mt 28, 11 – 15).

2. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống danh dự.

Chúa chúng ta đã toàn thắng trong mọi sự, đã sống lại trong vinh quang. Chúng ta có thể mạnh dạn tuyên xưng như vậy khi dựa vào lời chứng của các tông đồ. Các ngài bảo đảm với chúng ta, không những bằng lời nói, mà còn bằng cả mạng sống rằng: “Chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 41). Vinh quang ấy không nằm ở một ngôi mộ trống vắng, dù là có sự hiện diện của các Thiên thần như Phúc âm đã mô tả, nhưng là nơi Thánh giá của Chúa Kitô. Bài giảng của thánh An-rê, giám mục Cơ-rê-ta đề cao vinh quang này: “Thánh giá nâng Chúa Kitô lên cao, anh em biết đó, điều ấy là do chính Người nói ra: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi. Bạn thấy đó: thánh giá là vinh quang của Chúa Kitô, thánh giá nâng Người lên cao. Ai có thánh giá là có một kho tàng, vì trong đó, nhờ đó mà tất cả điều cốt yếu cho ơn cứu độ chúng ta được tạo lập và phục hồi.” (Trích Bài đọc 2 Kinh Sách, Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/09).

Quả thật, từ biến cố phục sinh này, Thánh giá Chúa Kitô đã trở nên Thánh giá của Chúa chúng ta. Thánh giá ấy đã không còn là hình ảnh của một án phạt đầy sợ hãi, nhưng trở thành biểu tượng của tình thương. Thánh giá ấy đã và đang tiếp tục được dựng lên khắp nơi trên thế giới, để tôn vinh và nhắc nhở về một tình thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người. Thánh giá ấy đang được nhiều người mang theo trên mình như một sức mạnh đáng tin cậy cho cuộc sống của họ. Thánh giá ấy cũng luôn được những ai có lòng tin ghi dấu trên người, khi khởi sự một điều gì đó quan trọng mà họ phải đối diện. Đặc biệt, với các Thánh tử đạo, Thánh giá Chúa là trên hết, là kho tàng lớn nhất mà các ngài phải bảo vệ bằng mọi giá, kể cả việc hy sinh mạng sống của mình. Trong thực tế, chính cây Thánh giá đã nói lên tất cả nhân danh Chúa. Chúa không im lặng: ngôn ngữ của Ngài bây giờ là ngôn ngữ của Thánh giá. Thánh giá đúng thật là niềm tự hào của người Kitô hữu chúng ta, như lời một bài thánh ca quen thuộc: vinh quang của ta là Thánh giá Đức Kitô…nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát.

3. Chúa Kitô phục sinh đối với cuộc sống chúng ta.

Điều cha rất muốn các con giữ lại cho đời sống mình trong những ngày mừng lễ Chúa Phục sinh, đó là chúng ta hãy tin tưởng và sẵn sàng để cho Chúa Kitô được sống lại trong cuộc sống hàng ngày của mình. Bởi vì, nếu Chúa chỉ sống lại từ ngôi mộ đá của 20 thế kỷ về trước, mà không sống lại trong niềm tin của con người hôm nay, thì sự kiện ấy sẽ mãi là một câu chuyện của ngày xưa được kể lại; nếu Chúa chỉ trỗi dậy trong chứng từ của những người đương thời, mà không phục sinh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thì dẫu cho ta có nhiều lần tham gia vào các cuộc cử hành mầu nhiệm trọng đại này, điều ấy cũng chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Mùa Chay là thời gian hành động. Với cha, đó thật sự là khoảng thời gian cần thiết và thuận tiện, để chúng ta lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy ngang qua các cử hành phụng vụ, hầu mang lại một sự hoán cải và đổi mới đời sống, để mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, sự hoán cải và đổi mới ấy không được dừng lại khi Mùa Chay kết thúc. Chúng ta hãy mang lấy thành quả này như một con người mới để bước vào những ngày mừng Chúa chúng ta sống lại, đồng thời, hãy kéo dài và nhân rộng nó để làm chứng cho mọi người thấy rằng Chúa cũng đã và đang sống lại trong tôi.

Ước mong rằng, niềm vui mừng Chúa Phục Sinh của chúng ta hôm nay, thúc đẩy thực hành các nhân đức Tin, Cậy và Mến cách siêng năng và sốt sắng. Các Nhân đức này sẽ trải rộng và bao trùm chúng ta trong phụng vụ Thánh lễ, trong các lời cầu nguyện, trong dấn thân phục vụ tha nhân với tâm tình bác ái yêu thương… và một ngày nào đó hy vọng rằng tất cả chúng ta cùng được chiến thắng với Chúa Kitô. Đó cũng là lời chúc mừng Phục Sinh đầy tin tưởng và yêu mến của cha dành cho từng người chúng con.

CHÚC MỪNG LỄ PHỤC SINH 2024

Vĩnh Long, ngày 25 tháng 3 năm 2024.

Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long

Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo